Vật liệu làm khuôn cát – Đinh Quảng Năng
Sản xuất đúc là một trong những lĩnh vực cơ bản của công nghiệp chế tạo máy. Hầu như tất cả các thiết bị, máy móc và dụng cụ đều có các chi tiết đúc như: thân của các máy cắt gọt kim loại, thân máy cán, các chi tiết của ôtô, của máy bay, của máy kéo, của cần cẩu, của cầu trục, cánh tuốc bin, và nhiều dụng cụ thiết bị khác
Sự phát triển của các ngành kinh tế quốc dân đã đòi hỏi ngành đúc phải thoả mãn những yêu cầu ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, cũng như sự đa dạng về chủng loại các sản phẩm đúc và đặc biệt phải hạ giá thành sản phẩm.
Hơn 80% khối lượng vật đúc được đúc trong khuôn cát. Tính chất, chất lượng khuôn cát quyết định chất lượng vật đúc. Nhân tố cơ bản tạo nên chất lượng khuôn cát, quyết định công nghệ chế tạo khuôn, khả năng cơ khí hoá và tự động hoá quá trình công nghệ làm khuôn, cũng như ảnh hưởng tới năng suất lao động là vật liệu làm khuôn.
Từ thế kỷ thứ 8, vật liệu làm khuôn chủ yếu là hỗn hợp cát – sét. Bước sang thế kỷ thứ 19, nhờ thành tựu khoa học kỹ thuật của các ngành khoa học cơ sở như hoa lý-hoá keo, hoá cao phân tử, hoả học silicat, nhiệt động học, lý thuyết truyền nhiệt, truyền khối đã cho phép chế tạo ra nhiều hỗn hợp làm khuôn mới, nhiều công nghệ chế tạo khuôn, chế tạo ruột mới rất tiên tiến.
Để góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành đúc nước ta phải tạo ra được các sản phẩm có chất lượng cao thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của các ngành kinh tế quốc dân. Muốn vậy, cùng với việc sử dụng vật liệu đúc mới, thì những công nghệ làm khuôn hiện đại cũng đang được ứng dụng ở nước ta, mà những dây chuyền công nghệ hiện đại ấy được quyết định bởi hỗn hợp làm khuôn.
Do vai trò quan trọng của nó trong sản xuất đúc, nên kiến thức khoa học về vật liệu làm khuôn đã trở nên rất cần thiết. Cuốn sách này nhằn cung cấp những kiến thức thiết yếu về vật liệu và hỗn hợp làm khuôn. Sách gồm bẩy chương, trình bày các cơ sở hoá lý của vật liệu silicat; đặc điểm cấu trúc và tính chất của vật liệu làm khuôn như cát, đất sét, thuỷ tinh lỏng, xi măng, nhựa, dầu, nước bã giấy và các vật liệu phụ; mô tả đầy đủ các lý thuyết về cơ chế hoá bền của các loại hỗn hợp làm khuôn; đưa ra thành phần, tính chất cũng như phạm vi sử dụng của các loại hỗn hợp; trình bày các loại sơn khuôn và những chất phụ quan trọng; trình bày công nghệ, thiết bị chế tạo hỗn hợp và các phương pháp tái sinh nó. Đặc biệt trong sách còn đưa ra các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm các tính chất của vật liệu làm khuôn và của hỗn hợp làm khuôn.
Sách nằm trong chương trình đào tạo kỹ sư ngành đúc. Ngoài ra sách cũng được dùng cho kỹ sư, cán bộ nghiên cứu tham khảo.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.