Vẽ kỹ thuật cơ khí – tập 1 – Trần Hữu Quế
Cuốn Vẽ kỹ thuật cơ khí đầu tiên của tác giả Trần Hữu Quế do Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp ấn hành năm 1970, sau đó sách được sửa chữa bổ sung tái bản trong nhiều năm tiếp theo.
Đến năm 1990, thực hiện chủ trương cải cách đào tạo đại học, cuốn Vẽ kỹ thuật cơ khí được các tác giả Trần Hữu Quế (chủ biên), Đặng Văn Cứ và Nguyễn Văn Tuấn biên soạn lại theo chương trình môn Vẽ kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo các Tiêu chuẩn Việt Nam về “Hệ thống tài liệu thiết kế” đã được Hội đồng bộ môn Hình học họa hình và Vẽ kỹ thuật thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường đại học.
Sách gồm 12 chương, chia làm hai tập, cùng với hai tập bài tập của các tác giả Trần Hữu Quế và Nguyễn Văn Tuấn làm thành bộ sách Vẽ kỹ thuật cơ khí, Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1991 và sách được tiếp tục sửa chữa, bổ sung tái bản nhiều lần vào các năm sau.
Đến nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ có những bước tiến nhảy vọt, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, đổi mới giáo dục diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đòi hỏi nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao và đào tạo nhân tài cho nền kinh tế xã hội.
Chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy đang dần dần được chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng thời thích ứng với thực tế sản xuất. Năm 2003 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình khung cho các ngành đào tạo.
Cuốn Vẽ kỹ thuật cơ khí lần này được biên soạn lại theo chương trình khung đó và theo các Tiêu chuẩn Việt Nam đã được soát xét chuyển đổi từ các Tiêu chuẩn Quốc tế. Các nội dung về “Lập bản vẽ bằng máy tính điện tử” được tích hợp với các nội dung của Vẽ kỹ thuật truyền thống.
Ngoài phần mở đầu và phụ lục ra, cuốn sách gồm 16 chương, chia thành hai tập.
Tập một gồm chín chương:
1 – Dụng cụ vẽ và cách sử dụng.
2 – Vẽ kỹ thuật trợ giúp bằng máy tính điện tử.
3 – Tiêu chuẩn về trình bày bản vẽ kỹ thuật.
4 – Vẽ hình học
5 – Biểu diễn vật thể.
6 – Biểu diễn đối tượng trong CADD.
7 – Hình chiếu trục đo và hình chiếu phối cảnh.
8 – Xây dựng hình biểu diễn nổi và tạo hình ảnh thực.
9 – Biểu diễn ren và chi tiết ghép.
Tập hai gồm bảy chương:
10 – Vẽ quy ước bánh răng và lò xo.
11 – Dung sai và nhám bề mặt.
12- Bản vẽ chi tiết .
13 – Bản vẽ lắp.
14 – Bản vẽ khai triển,hàn và kết cấu kim loại.
15 – Sơ đồ và bản vẽ điện tử.
16 – Bản vẽ xây dựng.
Tham gia biên soạn có tác giả:
– PGS.TS. Đặng Văn Cứ viết các chương 2, chương 6, chương 8, mục 5.6 thuộc chương 5 và mục 13.8 chương 13.
– GVC. Nguyễn Văn Tuấn viết mục 6.5, 6.6, 7.8, 7.9, 9.5, 10.10, 11.4, 13.9, 15.5, 15.6 và 16.5.
– PGS. Trần Hữu Quế, chủ biển, viết các chương và các phần còn lại của tập một và tập hai. Cuốn Vẽ kỹ thuật cơ khi này dùng làm tài liệu học tập cho sinh viên đại học kỹ thuật và công nghệ. Nó cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các kỹ sư, các nhân viên kỹ thuật…
Các giảng viên và sinh viên có thể lựa chọn nội dung trong các chương mục của cuốn sách phù hợp với chương trình vẽ kỹ thuật quy định cho từng ngành học.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.